Sáng 13/11, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ nông nghiệp – du lịch – thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 tại Nhà văn hóa huyện Cao Phong.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cắt băng khai mạc hội chợ
Tham dự có ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các tổ chức, đơn vị cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Lễ hội cam Cao Phong 2016 diễn ra từ 13 đến 20/11 Từ sáng sớm buổi khai mạc, thị trấn Cao Phong nhộn nhịp, tấp nập những chuyến xe hàng đi khắp mọi miền đất nước. Nhiều đoàn khách từ khắp nơi, ngay cả từ vùng trồng quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) cũng đến học hỏi kinh nghiệm. Đoàn chuyên gia Nhật Bản đến hội chợ khảo sát tìm cơ hội cho quả cam được xuất ngoại. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Lễ hội cam và hội chợ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh là một trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh. Lễ hội có hơn 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) tham gia với 350 gian hàng. Trong đó, có 80 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cam, quýt, bưởi các loại; thưởng thức các sản phẩm cam; trưng bày vật tư nông nghiệp; 80 gian hàng nông nghiệp, du lịch; hơn 100 gian hàng thương mại tổng hợp và 40 gian hàng ẩm thực truyền thống đặc sắc của tỉnh Hòa Bình cùng các tỉnh vùng Tây Bắc như thắng cố Lào Cai, cá nướng sông Đà, gà đồi, rau đồ, lợn quay… Từ năm 2007, cam Cao Phong đạt nhiều giải bình chọn, giấy chứng nhận cao quý. Tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam Cao Phong. Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hòa Bình đạt chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, tạo bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tháng 8/2016, cam Cao Phong được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Hiện nay, cam Cao Phong được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc và vươn tới miền Trung, miền Nam. Nhiều DN đã liên kết với hộ trồng cam như Cty TNHH MTV Cao Phong, HTX Phúc Linh… để tiêu thụ sản phẩm. Là huyện miền núi thuần nông, vùng đất Cao Phong với sự phát triển vượt trội của cây cam không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước. Từ đó, cam Cao Phong ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, an toàn về chất lượng, xác lập được vị thế nông sản đặc trưng, nổi bật.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh tham quan gian hàng tại hội chợ
Vụ cam 2016 là năm thứ 4 liên tiếp cam Cao Phong được mùa, được giá. Với diện tích trong thời kỳ thu hoạch khoảng 900ha, sản lượng cam ước đạt trên 23.000 tấn, giá bán tại vườn từ 23.000 – 30.000 đồng/kg. Tính bình quân mỗi ha đạt 700 triệu đồng. Nhờ cây cam mà những hộ tỷ phú ở Cao Phong ngày càng nhiều, riêng thị trấn Cao Phong có hơn 500 người có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, trở thành thị trấn có nhiều tỷ phú nhất cả nước. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững Để ghi nhận và biểu dương thành tích trong phát triển kinh tế của các hộ trồng cam ở Cao Phong, từ chiều 12/11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm nhiều vườn cam đạt năng suất cao như vườn cam Thủy Nga ở thị trấn Cao Phong. Tại lễ khai mạc lễ hội cam Cao Phong 2016, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của các cấp, các ngành và người dân trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa đáp ứng nhu cầu của 92 triệu dân và góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của đất nước. Thành tích đó có sự đóng góp tích cực của bà con nông dân, các hợp tác xã, thành phần kinh tế, DN của cả nước.
Người dân Cao Phong tự hào về thương hiệu cam Cao Phong
Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu phát triển thì ngành nông nghiệp vẫn phải cố gắng nhiều hơn. Bộ trưởng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các DN, hợp tác xã, bà con nông dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Hòa Bình trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM với 37 xã đạt chuẩn NTM, cao nhất vùng Tây Bắc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Hòa Bình đã khai thác và tận dụng lợi thế, dư địa trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó lấy du lịch dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao làm nền tảng. Tỉnh đã có hướng đi đúng trong phát triển cây ăn quả, chăn nuôi là sản phẩm chủ lực có cơ hội phát triển và vươn xa để nhân dân Hòa Bình làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với lợi thế đó, Bộ trưởng mong muốn Hòa Bình sẽ có thêm nhiều sản phẩm ngoài cam như mía, rau sạch, bưởi đỏ, chăn nuôi đặc sản cá lòng hồ, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước ngày càng phát triển. Để cam Cao Phong phát triển bền vững, vươn xa, huyện Cao Phong cần tập trung quản lý tốt quy hoạch, giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý, mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đến nay đạt 169ha). Áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh, thu hái, bảo quản sản phẩm; xây dựng chợ đầu mối nông sản. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban kiểm soát, BQL và phát triển chỉ dẫn địa lý; mở rộng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như triển lãm, trưng bày; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ sản xuất cam, tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu; các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
BÌNH NGUYÊN – BÁO NÔNG NGHIỆP