Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác được được đưa ra tại cuộc hội đàm được tổ chức vào sáng ngày 5/10, tại hội trường Tỉnh ủy, ngày 6/10, Thường trực HĐND tỉnh đã dẫn Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Tuv (Mông Cổ) thăm và khảo sát các mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là mô hình phát triển du lịch của huyện Mai Châu. Tại đây, đoàn đã thăm quan, tìm hiểu cách thức kinh doanh phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lác, xã Chiềng Châu và mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Ecologe Mai Châu.
Tiếp đó, đoàn đến thăm mô hình chuyên canh cây có múi lớn nhất tỉnh Hòa Bình (vườn cam Cao Phong). Thăm và thưởng thức cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP tại nhà vườn Thủy Nga, Khu 6, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, các đại biểu HĐND tỉnh Tuv bày tỏ sự ngạc nhiên trước cách thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh ta. Chiều cùng ngày đoàn đi thăm khu công nghiệp Lương Sơn để tìm hiểu cơ hội hợp tác, phát triển lĩnh vực công nghiệp.
Các đại biểu HĐND tỉnh Tuv (Mông Cổ) thăm vùng cam Cao Phong
Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu HĐND tỉnh Tuv (Mông cổ) thăm Khu công nghiệp Lương Sơn.
Phát biểu kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Hòa Bình, ngài TS. Enkhbat Chủ tịch HĐND tỉnh Tuv nhấn mạnh: Tuy cách xa về không gian, địa lý nhưng 2 tỉnh Tuv (Mông Cổ) và Hòa Bình (Việt Nam) có nhiều nét tương đồng. Cùng là tỉnh có địa giới giáp với thủ đô, phát triển mạnh về nông nghiệp, du lịch. Mông Cổ có đất đai rộng lớn và thế mạnh là chăn nuôi đại gia súc (52% thu nhập của người dân mông cổ là từ chăn nuôi), riêng tỉnh Tuv có 4,7 triệu con gia súc. Hiện, tỉnh Tuv có Nhà máy chế biến lông cừu để xuất khẩu và mong muốn được hợp tác để sản các sản phẩm từ đại cừu, ngựa, bò, lạc đà… từ Mông Cổ tới thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Qua thăm quan các mô hình cho thấy kinh tế của tỉnh Hòa Bình đang trên đà phát triển mạnh, có nhiều kinh nghiệm mà tỉnh Tuv cần nghiên cứu, học tập và hợp tác cùng phát triển. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường, liên doanh, hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh Tuv để xuất khẩu thịt lợn, gà đông lạnh, cam, bưởi rau và gỗ… sang thị trường Mông Cổ. Đồng thời nhập khẩu các loại thịt dê, cừu, ngựa, lạc đà đông lạnh và nguyên liệu từ lông và da thú sang Việt Nam. Tỉnh Tuv tạo điều kiện để Hòa Bình tiếp thị, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, gỗ ép tấm, gỗ lát sàn, các loại cá nước ngọt nuôi tại hồ Hòa Bình tại thị trường Mông Cổ. Trong lĩnh vực công nghiệp: 2 bên nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả sấy khô theo hình thức liên doanh tại tỉnh Tuv. . Thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo phụ trợ, công nghiệp điện tử, giày da, lắp ráp cơ khí, sản phẩm rượu, bia, nước giải khát tại tỉnh Tuv. Kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản, may mặc, linh kiện điện tử, chế biến lâm sản từ Hòa Bình sang Mông cổ. Trong lĩnh vực thương mại, rất mong các doanh nghiệp Hòa Bình sang nghiên cứu, đầu tư sản xuất, kinh doanh và xây dựng siêu thị, khách sạn tại Mông Cổ.
Thúy Hằng – BaoHoaBinh