Tự hào lễ hội truyền thống cam Cao Phong
Những năm trở lại đây, Cao Phong đã trở thành một địa danh ghi dấu ấn trên khắp mọi miền tổ quốc với thương hiệu cam không thể nhầm lẫn. Từ một thị trấn nghèo, mảnh đất này đã kiên cường đấu tranh phát triển trở thành một mảnh đất vàng của Hòa Bình.
Hiện tại, đến với nơi đây, những cánh đồng cam bạt ngàn trùng điệp nối nhau với đa dạng các chủng loại: cam lòng vàng, cam canh hay giống V2 nổi tiếng….
Tuy nhiên, nói về cam Cao Phong vốn có nguồn gốc từ cam Xã Đoài (Nghệ An), nhưng khi được trồng tại huyện vùng núi Cao Phong đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nên cam ở đây có những nét đặc trưng như mùi hương thơm mát, mọng nước, vị ngọt nhẹ, vỏ quả màu vàng óng đẹp mắt.
Cam Cao Phong đặc trưng với vị ngọt nhẹ, mùi hương thơm mát…
Đến năm 2014, UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công hội thảo và lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong khiến cho loại cam này càng được nhiều người tiêu dùng biết đến là một thương hiệu nổi tiếng.
Từ thời điểm đó đến nay, như một phong tục, cứ đầu tháng 10, là thời điểm đầu mùa cam, các cơ quan chức năng cùng người dân háo hức mong chờ và chuẩn bị tích cực để có thể trưng bày những sản phẩm tốt nhất góp phần quảng cáo sản phẩm của mình tại lễ hội cam.
Năm nay, Riêng đối với công tác chuẩn bị, UBND huyện Cao Phong đã thành lập ban tổ chức lễ hội và lên kế hoạch cụ thể, gấp rút chuẩn bị cho công tác lễ hội được diễn ra thành công, tốt đẹp nhất.
Với tôn chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp ngành và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, lễ hội được xem là một hình thức quảng bá hữu hiệu, sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu “Cam Cao Phong” nói riêng và hình ảnh của huyện Cao Phong nói chung đến khắp mọi miền tổ quốc.
Không những vậy, lễ hội cam Cao Phong lần 3 còn kết hợp với hội chợ thương mại, là cơ hội lớn để các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giao lưu, thúc đẩy kinh tế thương mại.
Theo kế hoạch của UBND huyện Cao Phong, lễ hội diễn ra trong 2 ngày từ 18 – 19/11 với nhiều hoạt động đa dạng kết hợp với việc thăm quan các vườn cam tiêu biểu, thăm các gian hàng trưng bày. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên trong khuôn khổ lễ hội cam Cao Phong có cuộc thi Thiếu nữ vùng cam duyên dáng nhằm tôn danh nét đẹp văn hóa, truyền thống của con người và mảnh đất nơi đây.
Đối với hội chợ thương mại sẽ diễn ra trong 7 ngày từ 18 – 24/11, là nơi giao lưu trao đổi, trưng bày các sản phẩm cam với chất lượng đã được công nhận.
Giống cây “xóa đói giảm nghèo”
Theo thống kê, hiện nay tổng diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào khoảng 1.200 ha với sản lượng năm 2014 ước đạt 17.000 tấn. Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn và phục tráng nguồn gen quý của cây cam mà hệ số nhân giống của cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế ngày càng cao.
Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam vào khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha. Để làm được điều đó huyện Cao Phong sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, quýt Cao Phong đến với người dân cả nước, vươn tới thị trường quốc tế.
Người nông dân phấn khởi bên thành quả của mình.
Từ đỉnh đồi nhìn xuống vườn cam trĩu quả của gia đình anh Bùi Văn Quang, khu 6, thị trấn Cao Phong: “Nhà mình có hơn 1ha và hơn 1000 gốc cam. Năm nay, sản lượng kém hơn mọi năm do ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, cam bị rụng. Tuy nhiên, sản lượng vẫn đạt chứ không phải quá thấp. Năm nay nhà mình, mỗi cây cam thu được khoảng 60 – 70kg. Từ khi trồng cam, gia đình mình có cuộc sống ổn định hơn, thu nhập khá cao nên mình vẫn luôn tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để đem lại hiệu quả cao hơn”.
Kế bên, ông Nguyễn Đức Thủy, chủ nhà vườn Thủy Nga cũng chia sẻ: Tuy năm nay ảnh hưởng mưa lũ nhưng sản lượng vườn cam khoảng 2000 gốc của gia đình vẫn đạt, mỗi cây thu về khoảng 80kg đến 1 tạ. Đây là năm thứ 5 cây cam của gia đình ông cho thu hoạch, mỗi năm 1ha thu về được khoảng 800 triệu đồng.
Ông Thủy cũng tâm tình: “ Gia đình tôi đang chuẩn bị tham gia vào lễ hội cam. Từ khi UBND huyên tổ chức lễ hội, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi vì đặc sản cam Cao Phong được nhiều người biết đến, nhất là khi có sự chung tay của các cơ quan nhà nước và chính quyền để đẩy mạnh kinh tế của người dân, nâng cao giá trị của cam lên một tầm vóc mới”.
Theo conglyxahoi.net.vn