Home / Giới Thiệu

Giới Thiệu

  1. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÂY CAM TẠI HUYỆN CAO PHONG

Cây cam, quýt được phát triển tại huyện Cao Phong từ đầu những năm 1960, do Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH 1 thành viên Cao Phong) đưa vào trồng đại trà, các giống cam du nhập trồng chủ yếu là Cam xã Đoài, Cam Sông Con và một số giống nhập nội khác như cam Naven, cam Valenxia, quýt Ôn Châu…

cam cam

 

Trong chu kỳ 1 của cây cam, diện tích cam của Nông trường Cao Phong lên tới 900 ha, sản lượng cao nhất năm 1976 đạt 3.000 tấn và đượcxuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ gần 50% sản lượng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là do cơ chế quan liêu bao cấp, không hiệu quả, diện tích, năng suất sản lượng cam giảm dần.

Bắt đầu từ năm 1990, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, nhất là thực hiện cơ chế khoán hộ trong sản xuất, thúc đẩy lợi ích kinh tế, tạo động lực cho các hộ nhận khoán phát triển sản xuất. Các hộ nông nhân đã mạnh dạn đầu tư, thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy cây cam, quýt trên toàn huyện tăng mạnh cả về diện tích, năng xuất và chất lượng sản phẩm. Chỉ tính riêng vài năm trở lại đây, diện tích, sản lượng cam liên tục tăng.

Năm 2010: Diện tích cam, quýt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn.

Năm 2013: Diện tích cam, quýt 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn.

Đến năm 2014, ước tính diện tích cam, quýt đạt xấp xỉ 1.200 ha, trong đó trồng mới gần 200 ha, sản lượng dự kiến đạt 17.000 tấn.

Cây cam là một trong 2 cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa, là cây làm giàu của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam, quýt có tổng giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân thu lãi ròng đạt 2/3. Điển hình trong năm 2013, toàn huyện có trên 160 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, có 16 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng tiền bán sản phẩm cam, quýt.

Hiện tại, sản phẩm cam, quýt tươi bán từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau. Do thực hiện tốt cơ cấu giống hợp lý như: các loại giống chín sớm, giống chín chính vụ, giống chín muộn để rải vụ thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Các giống đang được phát triển mạnh gồm:

– Các nhóm chín sớm, chiếm tỷ lệ 15% sản lượng: Quýt Ôn Châu, Cam CS1.

– Nhóm chín chính vụ, chiếm 65% sản lượng: Cam xã Đoài, Quýt Cao Phong.

– Nhóm chín muộn: Chiếm 20% sản lượng: Quýt ngọt, V2…

Ngoài ra, cây chanh và cây bưởi cũng đang được phát triển tại địa phương.

Để có được những kết quả trên và lý giải cho cây cam, quýt tại Cao Phong phát triển tốt, chất lượng cao hơn một số địa phương trong tỉnh là do một số nguyên nhân chính như sau:

– Tầng đất canh tác trên địa bàn huyện dày, hàm lượng dinh dưỡng cao, màu mỡ là điều kiện cho cây cam, quýt phát triển tốt.

– Do tiểu khí hậu: Cây cam là cây Á Nhiệt đới, thích hợp từ Vĩ tuyến 22 đến 26, khí hậu mát mẻ. Nhiệt độ của huyện Cao Phong thấp hơn nơi khác từ 3-4°C, địa bàn huyện Cao Phong ở độ cao trên 250m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, do vậy đã tạo nên một tiểu khí hậu riêng rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây cam, quýt.

– Nông trường Cao Phong có bề dày lịch sử về sản xuất, phát triển cây cam, là trung tâm, nòng cốt chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân (đây là điều kiện rất quan trọng).

– Người nông dân Cao Phong rất cần cù, không ngại khó khăn, tích cực đầu tư thâm canh cao và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây cam, quýt.

– Có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện. Xác định cây cam, quýt là cây hàng hóa chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Do vậy trong nhiều năm các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, xây dựng mô hình, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ quản bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu Cam Cao Phong…

  1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT RIỂN CÂY CAM, QUÝT CỦA HUYỆN.

Huyện Cao Phong xác định trong những năm tiếp theo cây cam, quýt là 1 cây mũi nhọn trong sản xuất hàng hóa của huyện, góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập và làm giàu của một bộ phận lớn người dân và thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn. Định hướng đến năm 2017, toàn huyện duy trì diện tích cam 1500 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha. Để đạt được các mục tiêu trên huyện tập trung vào một số giải pháp:

  1. Thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý, thu hoạch rải vụ như: Chín sớm, chín chính vụ, chín muộn.
  2. Tiếp tục tổ chức tốt chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Trên cơ sở các nội dung đồng bộ: Khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, quy trình bón phân, kỹ thuật bảo vệ thực vật…nhằm nâng cao sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
  3. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, quýt Cao Phong trong cả nước; tổ chức liên doanh, liên kết xây dựng, hình thành các cơ sở bán buôn, bán lẻ tại các chợ đầu mối, các tỉnh bạn.
  4. Đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu cam, quýt Cao Phong; Bảo vệ tốt Chỉ dẫn địa lý cho cam, quýt Cao Phong nhằm cho người tiêu dùng trong cả nước biết đến là cam có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; Thường xuyên tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn bán sản phẩm cam quả không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện; Tổ chức sản xuất cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.
  5. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ sở chế biến nước cam, trước mắt hoàn chỉnh giây chuyền chọn, phân loại, đóng gói cam đảm bảo cung cấp cho thị trường tốt nhất.

 

 

CTTĐT

TẮT QUẢNG CÁO [X]