Mùa này, cam Cao Phong (Hòa Bình) đang vào thời chín rộ. Những vườn cam mọng vàng, sai trĩu đến nỗi phải dùng giàn mà chống, khiến chúng tôi cứ đứng xuýt xoa, ao ước…
Bạt ngàn những vườn cam |
Sau một năm cam Cao Phong được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, vùng sơn cước này trở nên “bận bịu” hơn với rất nhiều những chuyến đặt hàng của các thương lái trong Nam, ngoài Bắc. Cũng bởi vậy, nơi đây bỗng chốc nổi tiếng với hàng trăm tỷ phú. Những biệt thự sang trọng mọc lên san sát, những chiếc ôtô thượng hạng được “tậu” về. Đặc biệt hơn với chúng tôi là trong những câu chuyện người dân đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cam, thực hiện quản lý sản xuất cam theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cam như tiêu chuẩn VietGap…; chú trọng việc mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ trong bối cảnh hội nhập.
Dự kiến, sản lượng cam, quýt Cao Phong năm 2015 sẽ đạt trên 20.000 tấn. Theo bà con, năm nay, cam Cao Phong không chỉ được mùa mà còn được giá. Giá bán buôn tại vườn từ 25 – 35 nghìn đồng/kg. Tính bình quân 1ha cam mang lại thu nhập từ 600- 800 triệu đồng cho người dân địa phương. Hiện tại, cây cam, quýt đã được trồng tại 13/13 xã, thị trấn trong huyện. Với mức thu như hiện nay, bà con Cao Phong quả quyết “Trồng cam không chỉ thoát nghèo mà còn giúp cho nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú”.
Chị Huệ – một trong những tỷ phú 8X vùng cam |
Tại vùng trồng cam này, chúng tôi ghi nhận, thu nhập trung bình của nhiều gia đình năm qua lên tới 2 – 5 tỷ đồng; cá biệt có hộ thu nhập 8 – 10 tỷ đồng/vụ. Không chỉ những người có thâm niên trồng cam như ông Nguyễn Văn Tiến ở khu 3, ông Tạ Đình Đào ở khu 5 mới là những tỷ phú mà còn khá nhiều tỷ phú thuộc thế hệ 7X, 8X như hộ anh Nguyễn Đức Huy, khu 4 thị trấn Cao Phong, hay gia đình chị Huệ… Anh Huy cho biết, đến năm 2015, gia đình anh đã trồng được 6ha cam, trong đó có 3ha đã được thu hoạch. Dự kiến năm 2015 nhà anh thu được khoảng 50 tấn cam, cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. “Thu nhập như nhà tôi chẳng đáng kể gì so với nhiều anh em khác trong vùng cam này” – anh Huy phấn khởi nói.
Theo các chuyên gia, cây cam Cao Phong giờ chưa phải là đỉnh điểm thu hoạch. Sang năm thứ 6, năng suất và sản lượng cam bắt đầu bước vào đỉnh cao. Như vậy, chỉ sang năm những vườn cam Cao Phong sẽ sai trĩu hơn, quả mọng vàng hơn, ngọt thơm hơn và khi ấy câu chuyện tiền tỷ đối với “dân cam” Cao Phong có lẽ hơi xưa rồi mà thay vào đó là những câu chuyện về nhà triệu đô Cao Phong từ trồng cam.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Long – Chủ tịch UBND huyện Cao Phong – cho biết: Sau một năm được công nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Cam Cao Phong đang tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, phấn đấu trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn. Mùa thu hoạch cam năm nay lại tiếp tục là mùa vàng bội thu đối với người trồng cam ở huyện Cao Phong.
Theo lãnh đạo phòng Kinh tế, hạ tầng UBND huyện Cao Phong, để nâng tầm thương hiệu cho cam Cao Phong, ngay sau khi có chỉ dẫn địa lý huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung đã có nhiều giải pháp như: Thành lập Ban Kiểm soát chỉ dẫn địa lý Cao Phong; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nông sản để các hộ kinh doanh không trà trộn các mặt hàng cam ngoài vùng vào để bán; mở hội nghị tuyên truyền về sản xuất theo quy trình sản xuất rau quả an toàn, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý… Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua đã diễn ra Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của bà con từ nhiều miền đất nước.
Phân loại cam |
Được biết, tỉnh Hòa Bình đã và đang hướng tới một mục tiêu xa hơn, đó là từng bước xây dựng Bộ tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho cam Cao Phong như Tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của Việt Nam (VietGap) hoặc xa hơn nữa là Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) như đã áp dụng cho các sản phẩm nông sản khác trong cả nước. Để từng bước đưa sản phẩm cam bước vào các siêu thị, hướng tới xuất khẩu và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến tại vùng đất này. Quả cam từ chỗ chỉ được sử dụng làm sản phẩm tiêu dùng trực tiếp sẽ được chế biến thành nhiều loại sản phẩm đa dạng mà vẫn giữ vị ngọt thơm.
Dẫu biết, ngoài những ưu ái trời cho, như khí hậu, thổ nhưỡng; nhưng người trồng cam cũng một nắng hai sương, tất bật quanh năm. Mỗi khi thời tiết đổi mùa, nắng hạn, hay giông bão, mỗi lứa cam ra hoa kết trái, một chút lá cam bị nám, hay không xanh là chủ cam chẳng thể yên lòng. Mới biết, để cho ra những trái quả trĩu ngọt, là mồ hôi, công sức trộn với sự lo lắng đan xen…
Tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, bước đầu chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 4 giống cam: CS1 (chín sớm 1), Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong, Thu Phong có sản phẩm cam mang tên gọi chung cam Cao Phong. |