Cam Cao Phong là một đặc sản lâu đời của tỉnh Hòa Bình, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 11 năm 2014, tỉnh Hòa Bình đón nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm Cam Cao Phong. Đây là bước đột phá mang tính chiến lược trong phát triển tài sản trí tuệ, cũng như góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Là cơ hội lớn mở ra cho người dân trồng cam ở huyện Cao Phong, hướng tới tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Sau một năm được công nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Cam Cao Phong đang tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, phấn đấu trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn. Vụ cam năm 2014 – 2015, toàn huyện đạt sản lượng 10.000 tấn, dự kiến vụ cam năm 2015 – 2016 ước đạt khoảng 20.000 tấn. Giá bán của sản phẩm cam Cao Phong đến thời điểm hiện tại phụ thuộc hoàn thoàn vào thị trường tự do. Năm 2011, mua buôn tại vườn, giá cam Xã Đoài bình quân khoảng 6.000 đ/kg, cam V2 dao động từ 20.000 – 32.000 đ/kg; năm 2014 giá cả cam các loại tăng so với những năm trước, cam Xã Đoài, CS1 từ 25.000 – 30.000 đ/kg, cam V2 từ 60.000 – 80.000 đ/kg, thời điểm cuối vụ cá biệt có hộ bán trên 100.000 đ/kg. Đến thời điểm hiện nay, cam Xã Đoài lùn dao động từ 20.000 – 22.000 đồng/kg; Xã Đoài cao, cam lòng vàng khoảng 28.000 đồng/kg. Trước đây, giống cam Xã Đoài được trồng chủ yếu, chiếm khoảng 90%, vụ thu hoạch kéo dài chỉ khoảng 2 tháng nhưng hiện, người dân trồng rải vụ, từ cam chín sớm CS thu hoạch vào tháng 9 – 10, cam Canh thu hoạch tháng 11 – 12, cam không hạt V2 chín muộn thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Như vậy, mùa vụ thu hoạch kéo dài khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.
Qua đánh giá, bình quân mỗi ha cam cho thu nhập trên 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng/vụ. Từ chỗ chỉ là nông sản địa phương ít người biết đến, Cam Cao Phong đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cả nước khi có nhu cầu sử dụng quả cam tươi chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ Cam Cao Phong đang được mở rộng từ khu vực miền Bắc bắt đầu vươn tới các tỉnh, thành phía Nam. Đồng thời, các kênh tiêu thụ sản phẩm cũng được đa dạng và chuyên nghiệp hóa. Một số doanh nghiệp lớn đã lập kế hoạch hợp tác phân phối sản phẩm Cam Cao Phong. Điển hình như Công ty Cổ phần Incomex dự kiến tổ chức bộ máy phân phối tại thị trường Hà Nội; Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã, đang tích cực xúc tiến việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Cam Cao Phong tới thị trường các tỉnh miền Bắc và một số chợ đầu mối phía Nam thông qua hệ thống siêu thị Hapro
Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha. Nhằm đạt được chỉ tiêu kế hoạch, thúc đẩy sản xuất Cam Cao Phong phát triển bền vững, thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ cụ thể hoá quy hoạch vùng sản xuất cam cũng như định hướng phát triển từng loaị giống đảm bảo rải vụ hợp lý. Tiếp nhận có chọn lọc các loại phân bón và chế phẩm sinh học phù hợp với thực tế tại địa phương phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Thường xuyên tổ chức có hiệu quả các lớp tập huấn cho người dân không những chỉ nghiên cứu tài liệu mà phải có những mô hình trình diễn được trải nghiệm thực tế hơn. Chú trọng khuyến khích các hộ nông dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng các công nghệ sinh học. Đảm bảo một quy trình sản xuất khép kín. Huy động các nguồn vốn nhất là vốn trung hạn với lãi xuất thấp để phát triển cam, vốn từ các nhà đầu tư theo mô hình liên doanh, liên kết./.
Lê Huệ (CTTĐT)