Home / Tin tức / Làng quân nhân triệu phú đất Cao Phong

Làng quân nhân triệu phú đất Cao Phong

Ở Xưởng X264 của Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) có hơn 30 gia đình quân nhân đạt mức thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/năm nhờ trồng cam Cao Phong. Cán bộ, chiến sĩ Xưởng X264 gọi đây là làng quân nhân triệu phú.

Lợi nhuận từ cam Cao Phong

Thiếu tá Đinh Thanh Khoa, Trưởng ban Kế hoạch và vợ – Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hương làm ở phân xưởng sửa chữa vỏ, ống liều đạn pháo, là một trong số hơn 30 hộ gia đình ở Xưởng X264 thuê đất của Công ty TNHH MTV Cao Phong để trồng cam có thu nhập cao mà nhiều người mơ ước. Chỉ vào chiếc xe Innova mới trị giá hơn 700 triệu mua trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, anh Khoa nói: “Tiền mua xe là do lãi từ bán cam Cao Phong”. Anh chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh đã thu được khoảng 750 triệu đồng từ bán cam, sau khi đã trừ các chi phí nộp sản, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công chăm sóc, thu hái…  Gia đình anh còn một số cây cam muộn chưa thu hái nên chưa thể thống kê lãi suất chính xác.

 Gia đình Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thạc, Phạm Thị Hòa thu hoạch cam

Năm 2002, vợ chồng anh Khoa quyết định đầu tư 30 triệu đồng mua lại quyền sử dụng 7.500m2 đất trồng cam của một hộ gia đình. Để có được 30 triệu tiền vốn ấy, anh chị phải huy động nhiều nguồn khác nhau từ người thân trong gia đình hai bên. Hội phụ nữ cơ sở Xưởng X264 cũng cho chị Hương vay 2 triệu đồng. Do không đủ tiền thuê nhân công nên anh chị phải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để chăm sóc cam. Có hôm mang cả cơm ra vườn cam để ăn cho tiện chăm sóc. Năm 2002, cam bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm đó do cam không được giá, phải mãi đến năm 2004, gia đình anh Khoa mới thu trả đủ vốn. Từ năm 2009 đến nay, khi mà người dân bắt đầu có thói quen sử dụng sản phẩm rau quả sạch trong nước. Cam Cao Phong được giá, bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 500 đến 700 triệu đồng. Ngoài nhà xây to ở Cao Phong, anh chị còn mua được một ngôi nhà khác tại TP Hòa Bình.

 Thượng tá Nguyễn Nhân Khoa, Phó giám đốc hậu cần Xưởng X264  bên chiếc xe ô tô mua từ năm 2010 từ tiền thu hoạch cam.

Gia đình Thượng tá Nguyễn Nhân Khoa, Phó giám đốc hậu cần Xưởng X264 có 5.000m2 đất trồng hơn 400 cây cam. Vụ cam năm 2013, gia đình anh thu hơn 400 triệu đồng. Đến nay nhà anh Khoa đã thu hoạch vụ thứ 9. Tiền lãi từ trồng cam giúp anh chị dư sức nuôi các con ăn học đại học và xây nhà cửa khang trang với nhiều đồ vật sinh hoạt tiện nghi, hiện đại. Anh Khoa đã mua một chiếc xe ô tô 4 chỗ Lacetti nhập khẩu giúp gia đình sinh hoạt được thuận lợi hơn. Anh Khoa chia sẻ: “Hiện tại ở Xưởng X264 có nhiều gia đình thu nhập cao từ cam, nhưng chưa có nhu cầu mua xe ô tô và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, anh chị em vẫn ở nhà rất giản dị”.

Nhân rộng mô hình mới

Hiện nay, nông dân ở Cao Phong trồng ba loại cam chủ đạo: Xã Đoài, lòng vàng, V2 (Malaysia), trong đó cam V2 cho năng suất cao nhất. Theo chị Phạm Thị Hòa, vợ Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thạc, nếu chăm sóc tốt, loại cam này có thể cho năng suất khoảng 3,7 đến 4 tạ quả/vụ.
Chị Nguyễn Thị Hà bán hoa quả tại chợ trước cổng Xưởng X264 nhanh nhẹn cầm dao bổ quả cam Cao Phong để chứng minh cho khách. Vỏ cam mỏng, vàng tươi, tép cam nhỏ đều và mọng nước. Khi ăn, cam có vị ngọt, chua dịu dịu và thơm rất đặc trưng. Chị Hà kể, cam Cao Phong cho thu hoạch rộ nhất vào tháng 1 và tháng 2 hằng năm, có khi kéo dài sang tháng 3. Giá cam vài năm nay cũng khá ổn định. Hiện, cam loại 1 ở Cao Phong bán tại vườn có giá khoảng 35.000 đến 45.000 đồng/kg; cam loại 2, loại 3 có giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cam như vậy vẫn rẻ hơn các loại cam nhập ngoại và cam của một số địa phương đã có thương hiệu trên thị trường. Lợi dụng điều này, một số lái thương đã mua cam Cao Phong  giả thương hiệu khác để tiêu thụ.

Một trong những yếu tố quyết định tới năng suất của cam đó là chăm bón và phòng sâu bệnh. Chị Phạm Thị Hòa cho biết, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rệp là những côn trùng gây bệnh hại cho cam. Khi phát hiện ra thì phải phun thuốc, nhưng trước khi thu hoạch 3 tháng, dù cam có bị bệnh nặng, người dân cũng không phun bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Theo tính toán của chị Hòa, từ lúc trồng đến khi cam cho thu hoạch phải mất tới 4 năm, nhưng khi đã cho thu hoạch, vòng đời của cây cam đạt  từ 15 đến 20 năm nếu chăm bón tốt. Như vậy, nếu cam Cao Phong giữ ở mức giá hiện nay thì người trồng sẽ có thu nhập rất cao và ổn định.

Đại tá Trần Văn Hồng, Giám đốc Xưởng 264 chia sẻ, đơn vị hiện có 12ha trồng mía và 10ha đất rừng. Thu hoạch từ mía và các nguồn thu tăng gia khác hằng năm cho kết quả khá, riêng năm 2013 đạt 1,3 triệu đồng/người. Anh khẳng định, tới đây Ban giám đốc sẽ xây dựng đề án trồng cam, nếu Cục Quân khí đồng ý phê chuẩn và đầu tư kinh phí và giá cam giữ được như hiện tại thì vài năm tới, mức thu nhập từ tăng gia sản xuất của X264 sẽ cao hơn hiện nay  nhiều lần. Vấn đề là làm thế nào để cam Cao Phong không phải “khoác áo” thương hiệu cam của vùng đất khác để tiêu thụ. Hy vọng, không lâu nữa, khi vấn đề này được giải quyết, cam Cao Phong sẽ có chỗ đứng ngang ngửa với các loại cam khác được bán tại các chợ, siêu thị, lúc đó, thu nhập của người trồng cam ở Cao Phong, trong đó có Xưởng X264 sẽ tiếp tục được nâng cao.

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG ( theo qdnd.vn)

About admin

facebook-profile-picture
Giới thiệu và cung cấp Cam Cao Phong - Hòa Bình chính hiệu LH: 0911.781.187

Có thể bạn quan tâm

Cao Phong: Cuối năm giá cam tăng mạnh

Trong mấy ngày gần đây giá các loại cam đang thu hoạch ở Cao Phong …

TẮT QUẢNG CÁO [X]