Cam Cao Phong có 4 giống là cam Xã Đoài cao, Xã Đoài lùn, CS1 và cam Canh. Về cơ bản, phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cam Xã Đoài cao, Xã Đoài lùn, CS1 và cam Canh tương đối giống nhau.
Cam là loại cây ăn quả có cùng họ với bưởi, có tên khoa học là Citrus sinensis. Nó có quả nhỏ hơn quả bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu da cam, có vị ngọt hoặc hơi chua. Quả cam có vị biến đổi từ ngọt đến chua, chứa vitamin A, canxi và chất xơ.
Cam Cao Phong là các giống cam có nguồn gen quý, phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù nên có chất lượng tốt. Để trồng được cam Cao Phong ngon cần phải thực hiện một số bước như sau.
1. Công đoạn sản xuất cam Xã Đoài cao, Xã Đoài lùn và CS1
Công đoạn nhân giống và trồng
Trong trường hợp người dân không tự nhân giống mà mua giống, phải mua giống ở các cơ sở sản xuất có giấy phép của nhà nước về nhân giống. Cây giống thuần chủng, độ đồng đều 95%, chiều cao từ gốc ghép trở lên tối thiểu 30cm, đường kính gốc ghép 0,8 – 1cm, đường kính thân 0,6cm, không có biểu hiện thối rễ, vàng lá, bệnh virus.
Trong trường hợp tự nhân giống thì phương pháp thực hiện là ghép giống. Thời vụ tiến hành ghép giống từ tháng 7 – 10. Phải chọn cây mẹ sinh trưởng khỏe, năng suất ổn định, chất lượng tốt, có độ tuổi 6 – 10 năm, tán sum suê, không bị bệnh Greening, Tristeza; Chọn cành ghép bánh tẻ, ở giữa tán và lấy những mắt giữa cành.
Gốc ghép là cây có khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán như các giống cam chua Đạo Tử, chanh sần, chanh Volcameriana.
Sau khi ghép, để cây con trong nhà có lưới che, tưới nước duy trì độ ẩm, phun thuốc trừ sâu vẽ bùa, nhện đỏ. Khi cây có 2 cặp cành (5 tháng sau ghép) có thể đem trồng.
Chọn đất trồng có tầng mặt dày, tơi xốp, màu vàng nâu, độ dốc thoải (<150), thoát nước tốt. Đào hố hình tròn, đường kính 0,6 – 0,8m, sâu 0,6 – 0,7m và để riêng các tầng đất. Tiến hành bón lót phân chuồng hoai mục 40 – 60 kg/hố, phân lân 1,5 – 2 kg/hố, vôi bột 0,5 kg/hố, làm tơi xốp tầng đất mặt, trộn đều với phân bón và lấp kín hố trước khi trồng 1 tháng.
Mật độ trồng 4m x 5m hoặc 5m x 5m (400 – 500 cây/ha); Thời vụ trồng từ tháng 3 – 9, thích hợp nhất tháng 6 và 7.
Dùng dao rạch túi bầu, cắt bớt những rễ dài xung quanh bầu, tránh vỡ bầu, đặt cây con đúng tâm của hố trồng đã chuẩn bị. Mặt trên bầu ngang với mặt đất. Lưng mắt ghép quay về hướng gió chính, cây đặt thẳng đứng, lấp đất và ấn chặt xung quanh bầu để cây đứng. Cắm cọc và buộc dây vào thân chính của cây con, sau đó tưới nước.
Công đoạn chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản
Bón phân theo chủng loại và liều lượng quy định: Lần 1 từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 (thúc lộc, cành xuân), lần 2 vào tháng 4 (thúc lộc hè), lần 3 vào tháng 7 (thúc lộc thu), lần 4 bón sau thu hoạch (tháng 11 – 12).
Phương pháp bón, đối với phân đạm, kali rắc đều xung quanh mép tán, bón khi trời mưa nhỏ hoặc sau khi mưa tạnh. Phân hữu cơ thì trộn đều với phân lân, ủ trước khi bón 1 – 2 tháng, đào rãnh quanh mép tán, rải phân và lấp kín, còn vôi bột rãi trên toàn bộ diện tích bề mặt đất trồng.
Khi cây được 1 tuổi, tiến hành tạo tán: cành cấp 1 cách mặt đất 30 – 40cm, khi cành cấp 1 dài 20 – 30cm, bấm ngọn để tạo thành 2 – 3 cành cấp 2. Mỗi cây chỉ để 3 cành cấp 1 phân đều về các hướng.
Dãy cỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ trước khi bón phân vô cơ trong phạm vi tán lá. Trong 1-2 năm đầu, trồng xen các loại cây họ đậu (lạc, đậu tương…) để cải tạo đất; tưới nước thường xuyên để giữ ẩm
Công đoạn chăm sóc thời kỳ kinh doanh
Bón phân đúng với lượng bón và thời gian bón. Cách bón giống như giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Sau thu hoạch, cắt bỏ những cành tăm nằm trong tán và cành sát mặt đất, cành bị khô và gãy, cành bị sâu bệnh, các chồi vượt. Cắt cành sát vào thân cành chính. Thu dọn cành cắt, đưa đi tiêu hủy xa khu vườn.
Khi quả đã đậu ổn định, cắt bỏ những quả nhỏ, quả dị tật… và chỉ duy trì quả hữu hiệu, thích hợp với tán cây…
Làm cỏ thường xuyên trong phạm vi tán, dọn sạch các tàn dư (quả thối rụng, cắt cành khô…) đem đi tiêu hủy xa đồng ruộng, dùng lưu huỳnh, vôi hoặc boocdo 5 – 10% để quét gốc ở độ cao từ 1 – 1,5m, quét gốc 1 lần/năm vào giai đoạn sau thu hoạch.
Tưới nước thường xuyên, đảm bảo độ ẩm đất 70%. Tưới đủ ẩm vào các giai đoạn trước khi ra hoa (cuối tháng 1 đến đầu tháng 2), khi quả lớn (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4), sau mỗi đợt bón phân vô cơ, nếu không có mưa cần tưới để tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Trong mùa khô, hạn chế cày cuốc trên bề mặt để tránh bốc thoát hơi nước, trồng xen các cây họ đậu giữ ẩm cho cây. Che phủ gốc bằng cỏ khô hoặc tàn dư thực vật…
Chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh như: Sâu vẽ bùa, Nhện đỏ, Sâu đục thân cành, Nhện giám vàng, Ngài chích hút quả, Ruồi vàng đục qủa, Bệnh loét cam quýt, Bệnh chảy gôm, Bệnh thối nâu quả, Bệnh phấn trắng, Bệnh Greening.
Công đoạn thu hoạch và bảo quản
Tiến hành thu hoạch khi quả già, vỏ quả hơi vàng có màu đặc trưng của giống; thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo; quả thu hái cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).
Sau khi thu hoạch, vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.
2. Công đoạn sản xuất giống cam Canh
Công đoạn nhân giống và trồng
Tiến hành nhân giống bằng phương pháp ghép cành: phải chọn cây mẹ sinh trưởng khỏe, năng suất ổn định, chất lượng tốt, tuổi 6 – 10 năm, tán sum suê, không bị bệnh Greening, Tristeza. Cành ghép là cành bánh tẻ, ở giữa tán và lấy những mắt giữa cành. Gốc ghép là giống có khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán, cây gốc ghép là các giống bưởi Diễn.
Thời vụ ghép từ tháng 7 – 10. Sau khi ghép, để cây con trong nhà có lưới che, tưới nước duy trì độ ẩm, phun thuốc trừ sâu vẽ bùa, nhện đỏ. Khi cây có 2 cặp cành (5 tháng sau ghép) có thể đem trồng.
Tiến hành làm đất sạch cỏ dại, đào hố theo kích thước rộng 60cm, sâu 60cm. Mật độ trồng tùy theo chất lượng đất, 333 cây/ha đối với đất không giàu dinh dưỡng, thâm canh cao 800 -1.000 cây/ha.
Đào hố trước khi trồng 15-30 ngày, sau đó trộn đều toàn bộ lượng phân bón lót với lớp đất trên mặt, cho hỗn hợp xuống đáy hố, tiếp theo lấp đất thành ụ cao so với mặt hố 15 – 20cm. Vét một hố nhỏ đặt bầu rồi lấp đất vừa kín bầu và nén chặt. Sau đó cắm cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh làm lay gốc làm chết cây.
Thời vụ trồng thường là vụ Xuân từ tháng 2 – 4 và vụ Thu từ tháng 8 – 10.
Công đoạn chăm sóc
Sau khi trồng cần tưới nước ngay, nếu trời nắng hạn tưới 1lần/ngày đến khi cây hồi phục sinh trưởng. Sau đó tuỳ điều kiện sinh trưởng và thời tiết để tưới.
Thời kỳ cây còn nhỏ 1 – 3 tuổi, bón thúc phân hàng năm vào các tháng 1, tháng 2, tháng 5 và tháng 11 kết hợp xới xáo và làm cỏ, lượng bón theo quy định. Trong thời kỳ thu hoạch từ năm thứ 4 trở đi, chia theo các thời điểm và theo lượng quy định
Khi cây có quả, sau mỗi lần thu hoạch cần đốn tỉa bỏ cành nhỏ, cành trong tán, cành sâu bệnh… tạo thuận lợi cho việc hình thành quả. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh kịp thời. Sử dụng các biện pháp canh tác (xén tỉa cành lá sâu bệnh…). Sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc, không dùng thuốc cấm.
Công đoạn thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch khi quả già, vỏ quả hơi đỏ màu đặc trưng của giống. Thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo và phân loại quả. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).
Sau khi thu hoạch, vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.
PHƯƠNG THẢO – HƯƠNG TRANG (Theo Báo Khoa Học Phát Triển)