(CCP) – Cam là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao ở huyện Cao Phong. Với việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong (năm 2014) và cam Cao Phong được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” năm 2016 đã tạo bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, đưa sản phẩm này chinh phục thị trường. Cao Phong đang nhân rộng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Cao Phong kiểm tra cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Thực hiện định hướng phát triển thương hiệu cam Cao Phong, huyện đã chủ động triển khai mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Trong đó đã điều tra quy hoạch khoanh vùng sản xuất; mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, đặc biệt là việc lựa chọn giống, cách sử dụng phân bón hợp lý, đúng quy trình; tổ chức tuyên truyền, lựa chọn hộ dân tham gia mô hình, tập huấn đào tạo kỹ thuật, cung cấp nhận thức chung về sản xuất VietGap. Huyện đã phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận và loại ra khỏi nhóm hộ những hộ dân không tuân thủ các quy trình sản xuất. Cho đến nay, người dân trồng cam ở huyện Cao Phong đã nhận thức được tầm quan trọng của trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Người dân quan tâm đến chất lượng làm đất, nguồn nước, sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc cây trồng để cam có giá trị dinh dưỡng cao, thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm khi bán ra thị trường không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bắt đầu triển khai mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2014, toàn huyện đã có 235 hộ dân tham gia mô hình với diện tích 248, 36 ha tại thị trấn Cao Phong, các xã: Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Tân Phong, Yên Lập. Năm 2016, sản lượng theo tiêu chuẩn VietGap đạt 3.000 tấn, giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng /kg.
Anh Nguyễn Đức Thủy có thu nhập vài tỷ đồng từ trồng cam ở thị trấn Cao Phong cho biết: Người trồng cam đã quan tâm hơn đến nguồn nước, cải tạo đất sạch, chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất sạch, bền vững, hướng tới mục tiêu đạt tiêu chuẩn VietGap. Chất lượng cam tiếp tục được nâng lên, có vị ngọt, thơm mát và quan trọng là an toàn khi sử dụng.
Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất khi nhân rộng mô hình sản xuất VietGap đó là khi tham gia mô hình, người dân phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình sản xuất VietGap trong khi đó, giá bán cam, quýt không cao hơn nhiều so với giá cam thông thường.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Cao Phong cho biết: Đến nay, toàn huyện có 2.080 ha cây ăn quả có múi. Diện tích cây thời kỳ kiến thiết 1.178 ha, diện tích kinh doanh 900 ha. Các giống cam chủ yếu là: quýt ôn Châu, quýt Cao Phong, cam mars, cam CS1, cam đường Canh, cam Xã Đoài. Sản lượng năm 2016 được trên 23.000 tấn. Cam được trồng rải vụ gồm các giống chín sớm, chính vụ, chín muộn, bắt đầu thu từ tháng 8 (dương lịch) đến tháng 5 năm sau. Huyện chú trọng sản xuất các loại giống có chất lượng được chọn lựa, bình tuyển từ các cây đầu dòng. Quản lý tốt quy trình sản xuất, chăm sóc cây từ phân bón đến phòng trừ sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ, mở rộng diện tích chứng nhận VietGap, tiến tới GlobalGap; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì nhãn mác đưa sản phẩm cam có thương hiệu đến tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch, giữ vững và phát triển thương hiệu cam Cao Phong.
VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam do Bộ NN &PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. VietGAP trồng trọt là phương thức canh tác hiện đại, đảm bảo an toàn cho người trồng cũng như sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm khoảng chi phí từ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. VietGAP trồng trọt, phát huy những lợi ích thiết thực của mình để tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trong nước và mở ra cơ hội hội nhập với thị trường thế giới. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt là mô hình khởi đầu để hoàn thiện quy trình quản lý sản xuất theo chuỗi thực phẩm “từ đồng ruộng đến bàn ăn” nhằm xác định các mối nguy cơ và tìm giải pháp xử lý để có sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp cho nguòi tiêu dùng.
LC – BaoHoaBinh.Com