Home / Tin tức / Tự hào hàng Việt Nam (số 17): Cam Cao Phong – “Cây vàng” vùng sơn cước

Tự hào hàng Việt Nam (số 17): Cam Cao Phong – “Cây vàng” vùng sơn cước

VOVGT-Sau thời gian thể hiện sức sống mãnh liệt trên mảnh đất vùng cao, giờ đây, khi nhắc đến mảnh đất Cao Phong, người ta không thể không nhắc đến sản vật giúp người dân nơi đây đổi đời: cây cam.

Với mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam trên thị trường. Từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông, mảnh đất Cao Phong với sự phát triển mạnh mẽ của cây cam đã không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

“Cây vàng” trên đất Cao Phong

Cây cam bén rễ tại huyện Cao Phong từ đầu những năm 1960 do Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đưa vào trồng đại trà. Ở thời điểm năm 1976, diện tích cam của Nông trường Cao Phong lên tới 900 ha, sản lượng đạt 3.000 tấn và được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cam Cao Phong rơi vào thời kỳ thoái trào, hàng trăm ha cam đổ bệnh và bị đốn sạch.

Câu chuyện tưởng chừng rơi vào lãng quên. Nhưng thời gian gần đây, khi người Việt đang mất dần niềm tin vào hoa quả nhập khẩu. Nhận thức rõ lợi thế là một vùng đất có địa thế cao hơn 250m so với mực nước biển, chung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi… Huyện ủy Cao Phong đã ban hành Nghị quyết 04 (năm 2006) về phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp giai đoạn 2006-2016, định hướng đến năm 2020. Trong đó, xác định cần ưu tiên phát triển cây cam, coi cây cam là cây xóa đói giảm nghèo.

camcaophong2

Những cây cam Cao Phong được nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Từ tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, hỗ trợ ngân sách đầu tư giống cây trồng đến tăng cường công tác dự báo, nâng cấp hệ thống thủy lợi… những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và người dân Cao Phong được đền đáp bằng sự hồi sinh của cam Cao Phong.

Năm 2010, diện tích cam, quýt toàn huyện đạt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn, đến năm 2015, diện tích đạt trên 12.000 ha, sản lượng 16.500 tấn. Theo tính toán, mỗi ha cam cho thu nhập trung bình khoảng 600 triệu đồng. Năm 2015, toàn huyện có trên 160 hộ trồng cam có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 16 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.

Nói về vai trò của cây cam trong việc phát triển kinh tế địa phương, ông Nguyễn Hồng Lâm, người dân thị trấn Cao Phong chia sẻ: “Hiện nay, kinh tế vùng Cao Phong nổi lên rất mạnh. Cây cam đã làm thay đổi bộ mặt của bà con nhân dân. Một số nhà có thu nhập cao lên tới đôi ba tỷ. Họ sắm được xe hơi, xây dựng nhà cao, con cái học hành đến nơi, đến chốn. Tất cả điều này đều chủ yếu nhờ vào cây cam”.

Bài học từ xây dựng thương hiệu

Phải đến vài năm gần đây, cái tên Cao Phong mới xác lập được vị thế là một thương hiệu nông sản nổi bật của Hòa Bình. Chục năm về trước, sản vật này luôn phải đối mặt với tình trạng bị tư thương ép giá. Đầu những năm 2000, giá cam Cao Phong bán ra thị trường chỉ dao động trên dưới mức 3.000 đồng/kg. Không có được chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, cam Cao Phong hoàn toàn “lép vế” trên thị trường nội địa. Đây được coi là hệ quả tất yếu của việc chưa xây dựng được một thương hiệu riêng cho cam Cao Phong.

Cam Cao Phong nhận chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý”.

Quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, huyện Cao Phong tổ chức quy hoạch lại vùng cam và xây dựng thương hiệu cho cam Cao Phong. Theo đó, cây cam chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt; người dân tích cực hưởng ứng áp dụng mô hình cam sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.  Năm 2007, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu thương mại (do Công ty Rau quả Nông sản Cao Phong quản lý và khai thác). Đến năm 2014, cam Cao Phong đã được Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý”.

Đánh giá tác động của công tác xây dựng thương hiệu tới việc tiêu thụ sản phẩm cam Cao Phong, ông Nguyễn Đình Khanh, PGĐ Sở Công thương Hòa Bình nói: “Từ khi sản phẩm cam Cao Phong được Cục sở hữu trí tuệ công nhận về chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đã có một thương hiệu nhất định, giá trị của sản phẩm được nâng lên. Sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn”.

Từ chỗ chỉ là nông sản địa phương ít người biết đến, Cam Cao Phong đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cả nước khi có nhu cầu sử dụng quả cam tươi chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

camcaophong1

Cam Cao Phong dần trở thành thương hiệu quen thuộc với người dân Việt Nam.

Thị trường tiêu thụ Cam Cao Phong đang được mở rộng từ khu vực miền Bắc bắt đầu vươn tới các tỉnh, thành phía Nam. Cùng với đó, các kênh tiêu thụ sản phẩm cũng được đa dạng và chuyên nghiệp hóa. Một số doanh nghiệp lớn đã lập kế hoạch hợp tác phân phối sản phẩm cam Cao Phong. Điển hình như Công ty Cổ phần Incomex  dự kiến tổ chức bộ máy phân phối tại thị trường Hà Nội; Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã và đang tích cực xúc tiến việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Cao Phong tới thị trường các tỉnh miền Bắc và một số chợ đầu mối phía Nam thông qua hệ thống siêu thị Hapro.

Là nông sản đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hòa Bình được cấp chỉ dẫn địa lý, Cam Cao Phong với những giá trị đặc sắc riêng có của mình đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Thương hiệu cam Cao Phong đã có bước nhảy dài về chất, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, dần trở thành một thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế.

Kênh VOV Giao thông Quốc gia

About admin

facebook-profile-picture
Giới thiệu và cung cấp Cam Cao Phong - Hòa Bình chính hiệu LH: 0911.781.187

Có thể bạn quan tâm

Cao Phong: Cuối năm giá cam tăng mạnh

Trong mấy ngày gần đây giá các loại cam đang thu hoạch ở Cao Phong …

TẮT QUẢNG CÁO [X]