(Moitruong.net.vn) – “Theo em về thăm lại Cao Phong/ Vào mùa cam chín, má đỏ hồng/Em cười bẽn lẽn sau tán lá/Ngọt mát cam Đoài đất Cao Phong…”
Theo câu thơ mượt mà, chúng tôi về vùng đất “ngọt” Cao Phong và thực sự bị chinh phục bởi cam vàng nơi đây. Những vườn cam chính vụ thu hoạch chín vàng đã trả vàng cho cả năm miệt mài lao động của người dân.
Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ nhất năm 2015
Khi cái nắng hanh vàng của đất trời vừa độ chớm xuân, chan hòa khắp các ngọn đồi bát úp cũng chính là lúc cam đương độ chín vàng. Cái nắng, cái gió, tình đất và cả tình người Cao Phong như hoàn quyện vào nhau tạo nên hương vị cam ngon đặc trưng của vùng Mường Thàng. Cam tươi rói trên đồi, cam vàng óng trên những sạp hàng dọc quốc lộ 6, cam hiện diện trong những bữa tiệc, những món quà Tết biếu người thân, bạn bè… Chỉ có điều, giờ đây người Cao Phong chăm chỉ, sáng tạo đã đưa vào trồng nhiều loại cam ngon khác như cam Canh, cam lòng vàng, cam mát… Hay như cam Cara Cara ruột đỏ không hạt xuất xứ vùng Valencia – Venezuela về đất Cao Phong cũng kết tinh hương vị đặc biệt. Vì thế mà vụ thu hoạch các loại cam cũng được rải đều từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, không dồn dập cùng một thời điểm như trước. Song mỗi dịp Tết, khi nhu cầu tiêu thụ cam tăng cao cũng là lúc nhiều loại cam chín rộ. Những chiếc ô tô từ thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang… tấp nập đổ về đưa cam Cao Phong tỏa đi khắp mọi miền đất nước.
Còn gì thú vị hơn khi ngày xuân được vào vườn cam và tự tay hái làm quà Tết. May mắn chúng tôi gặp được tỉ phú có duyên với nhiều chữ “nhất” – anh Nguyễn Văn Mạnh ở thị trấn Cao Phong. Tại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất, anh tham gia phần thi vườn cam có năng suất, chất lượng tốt nhất và đã giành giải nhất. Dáng người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, anh cười hiền giới thiệu về vườn cam giành giải vàng của mình. Khu vườn rộng 1 ha với 300 cây cam lòng vàng và 500 cây cam Canh. Bước vào tuổi thứ 5, đúng vào năm thứ nhất cho thu bội, quả nào cũng căng tròn, mọng nước. Thế nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi anh tiết lộ, sản lượng cam lòng vàng đạt 15 tấn, cam Canh 10 tấn. Nhiều thương lái xếp lượt hỏi mua buôn cả vườn với giá 30.000 đồng/kg cam lòng vàng và 40.000 đồng/kg cam Canh. Ngoài ra, anh còn 2 hecta cam đang cho thu hoạch trong tổng số 7 hecta. Có cam ngon, an toàn, huyện lại tổ chức lễ hội cam, nhân dân vô cùng phấn khởi bởi giá trị quả cam được nâng tầm, chất lượng khắc được chữ tín trong lòng khách hàng gần, xa. Không vui sao được khi nhiều siêu thị ở Hà Nội như Vinmarrt, Metro, Thành Công… cam Cao Phong được bày bán tấp nập người mua. Giữa mấy chục loại hoa quả cả hàng nội lẫn nhập ngoại, nhiều “bà bầu” vẫn chọn cam Cao Phong. Bao mồ hôi, công sức của người trồng cam và sự vào cuộc bài bản của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm đã được đền đáp, trả vàng. Giờ không chỉ gia đình anh mà hàng trăm hộ trồng cam khác, mua ô tô “xịn” không còn là chuyện khó.
Cam Cao Phong bán tại siêu thị Vinmart Cầu Giấy (Hà Nội) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Cùng góp chuyện, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cao Phong – ông Đinh Trọng Toàn tự hào: Được công nhận chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong tiếp tục khẳng định là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về chất lượng và giá cả. Sau mỗi vụ cam, những người ra nhập đội quân tỷ phủ ở Cao Phong ngày một nhiều hơn, trở thành niềm mơ ước của không chỉ nông dân trong tỉnh, mà còn của toàn quốc. Riêng thị trấn hiện có 715 hecta cam, quýt các loại, 500 hecta đang cho thu hoạch, năng suất đạt tới 15.000 tấn. Nếu vụ năm ngoái có chừng 60 hộ thu tiền tỉ, năm nay sẽ tăng lên con số hàng trăm vì được mùa, được giá hơn. Ngoài anh Mạnh, có thể kể đến nhiều gia đình tỉ phú khác như Trần Văn Tuyên, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thế Bình, Đàm Thị Ngát… Nhẩm tính sơ sơ, toàn thị trấn có hơn 150 chiếc ô tô, trong đó không ít xe hạng sang. Chuyện người trồng cam mua biệt thự, xây bể bơi, tiện nghi đắt tiền, yêu thích công nghệ, dành hàng tỷ đồng làm quà hồi môn cho con cháu giờ không mới.
Thấy chúng tôi suýt xoa về mức thu nhập mà ngay cả những cán bộ, công chức hay thậm chí doanh dân cũng phải mơ, anh Mạnh liền giơ hai bàn tay chai sạn nói: “Chúng tôi phải ăn, ngủ cùng cam, chăm cam như chăm con mọn. Làm đủ mọi việc từ ủ phân, xới đất đến khoanh vỏ để kích thích ra hoa, giữ quả non… Rồi đêm hôm mưa bão, sương muối, nằm trong lều canh mà ngủ không yên. Nhớ cái Tết cách đây 20 năm, cam chưa có thương hiệu, giá bấp bênh nên mua thêm gói mứt cũng phải đắn đo. Đầu tư trồng cam cần vốn lớn, đến khi thu hoạch chừng 500 triệu đồng/cây. Cuối vụ đếm tiền tỉ trên tay nhưng bàn tay dày cộm đến nỗi chiếc gai chanh đâm vào cũng chẳng còn thấy đau. Thế mới quý cái thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức cần đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để thương hiệu cam mãi bền vững, vươn xa hơn. Vì cam an toàn, chúng tôi còn làm mứt vỏ cam để ăn Tết.”
Những cây cam trĩu quả
Khi được hỏi về kết quả nổi bật nhất của huyện trong năm, Phó Chủ tịch UBND huyện – ông Quách Văn Ngoan khẳng định, ngoài sự kiện Đại hội Đảng, đó chính là Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất và vụ sản xuất cam thành công. Tuy mở hội vào ngày đông nhưng sự ấm áp của không khí nhộn nhịp, của giá trị cam được tôn vinh, quảng bá đã xua đi cái lạnh vùng đất “gió”. Lễ hội đã gây được tiếng vang, thu hút trên 1 vạn người, mở ra nhiều cơ hội cho loại cây “vàng”. Riêng trong 2 ngày, trên 20 tấn cam đã được bán. Ngay sau lễ hội, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đến tận vườn khảo sát tìm cơ hội cho quả cam được “xuất ngoại”. Đến nay, toàn huyện có trên 1.700 ha cây có múi tại 13/13 xã, thị trấn; gần 800 ha cam, quýt đang cho thu hoạch, giá trị bình quân 650 – 700 triệu đồng/ha. Những năm tới, sản lượng sẽ tăng lên đáng kể do diện tích bước vào thời kỳ thu hoạch tăng. “Tận mắt nhìn những cây cam sai trĩu. Vườn nối vườn, dải vàng trải rộng các triền đồi như hớp hồn người phố thị. Khi lưng áo lấm tấm mồ hôi, nếm múi cam ngọt ngào trong miệng, cảm nhận vùng du lịch, vùng văn hóa là đây!” – anh Trần Dương, khách từ Hà Nội trầm trồ.
Chia tay Cao phong khi thương lái vẫn hối hả xếp cam lên ô tô, chúng tôi cũng thấy rộn ràng khi nghe thoảng trong gió câu hát của cô gái Mường Thàng: “Cam Cao Phong vừa thơm vừa mát/ Câu hát thường rang, câu hát bản Mường/ Cam Cao Phong hương thơm say đắm/ Để ngày hôm nay đi khắp nẻo đường xa.”
(Theo Môi trường và Cuộc sống)