(CCP) – Đã 1 năm kể từ khi sản phẩm cam của huyện Cao Phong được công nhận chỉ dẫn địa lý (tháng 11/2014). Là thương hiệu nông sản đầu tiên của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong đang tự tin vươn ra thị trường lớn, mang trên mình sứ mệnh lớn lao của một thương hiệu nông sản mạnh nhất, đặc trưng nhất của tỉnh Hòa Bình. |
Với chất lượng cao và đảm bảo tốt VSATTP, các loại cam Cao Phong đang được tiêu thụ tốt trên thị trường. Ảnh: Cam Cao Phong bày bán trên địa bàn huyện Cao Phong. Tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm Cam của huyện Cao Phong, bước đầu chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 4 giống cam: CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong, Thu Phong có sản phẩm cam mang tên gọi chung Cam Cao Phong. Đây là bước đột phá mở ra nhiều cơ hội cho người trồng cam, được kỳ vọng là cú hích quan trọng đưa sản phẩm Cam Cao Phong đến với người tiêu dùng, hướng tới tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Theo đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH &CN: Việc đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong được coi là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh. Với kết quả quan trọng này, ngành KH &CN sẽ hướng tới một mục tiêu xa hơn, đó là từng bước xây dựng bộ tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho Cam Cao Phong như tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của Việt Nam (VietGAP) hoặc xa hơn nữa, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) như đã áp dụng cho các sản phẩm nông sản khác trong cả nước. Như vậy, trên hành trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu Cam Cao Phong, sản phẩm tiêu biểu của chúng ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vươn ra các thị trường lớn, bước vào các siêu thị, đại siêu thị, hướng tới xuất khẩu và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến tại vùng đất này. Quả cam từ chỗ chỉ được sử dụng làm sản phẩm tiêu dùng trực tiếp sẽ được chế biến thành nhiều loại sản phẩm đa dạng mà vẫn giữ được vị ngọt thơm rất Cao Phong. Là nông sản đầu tiên và duy nhất (đến thời điểm này) của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý, Cam Cao Phong với những giá trị đặc sắc riêng có của mình đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Giờ đây, những trái cam vàng mọng, ngọt thơm từ những đồi cam bạt ngàn của vùng đất gió Cao Phong đang tự tin vươn ra thị trường lớn. Từ chỗ chỉ là nông sản địa phương ít người biết đến, Cam Cao Phong đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cả nước khi có nhu cầu sử dụng quả cam tươi chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ Cam Cao Phong đang được mở rộng từ khu vực miền Bắc bắt đầu vươn tới các tỉnh, thành phía <st1:country-region w:st=”on”>Nam. Cùng với đó, các kênh tiêu thụ sản phẩm cũng được đa dạng và chuyên nghiệp hóa. Một số doanh nghiệp lớn đã lập kế hoạch hợp tác phân phối sản phẩm Cam Cao Phong. Điển hình như Công ty Cổ phần Incomex dự kiến tổ chức bộ máy phân phối tại thị trường Hà Nội; Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã và đang tích cực xúc tiến việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Cam Cao Phong tới thị trường các tỉnh miền Bắc và một số chợ đầu mối phía Nam thông qua hệ thống siêu thị Hapro Có thể nói, sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn với chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp và có tính khả thi cao là minh chứng đầy thuyết phục cho thấy thương hiệu Cam Cao Phong đang thực hiện một bước nhảy dài về chất, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, dần trở thành một thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế. Đồng chí Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Sau một năm được công nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Cam Cao Phong đang tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, phấn đấu trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn. Mùa thu hoạch cam năm nay lại tiếp tục là mùa vàng bội thu đối với người trồng cam ở huyện Cao Phong. Với gần 800 ha cam thời kỳ kinh doanh, ước sản lượng cam năm nay toàn huyện đạt trên 20 nghìn tấn. Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn và phục tráng nguồn gien quý mà hệ số nhân giống của cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế ngày càng cao. Qua đánh giá, bình quân mỗi ha cam ở Cao Phong cho thu nhập trên 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng /vụ. Với giá cam năm nay cao hơn hẳn những năm trước, dự kiến giá trị kinh tế mà cây cam mang lại sẽ còn cao hơn nhiều. Đây thực sự là cây vàng trên đất Cao Phong một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.
Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng /ha. Để làm được điều đó, huyện Cao Phong sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý; thực hiện chuyển giao tiến bộ KHKT, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Cam Cao Phong đến với người dân cả nước, vươn tới thị trường ngoài nước
Thu Trang – Theo Báo Hòa Bình Online |