Nói đến thế mạnh về cây kinh tế ở tỉnh Hòa Bình, ngoài cam thì cây mía đã bao đời nay đem lại cơm ăn áo mặc cho mảnh đất này, đặc biệt là với hai huyện Cao Phong và Tân Lạc. Nhưng giờ đây cây mía đang rơi vào tình trạng rớt giá thảm hại, đem lại sự lo lắng cho người dân.
Mía rớt giá, phải chặt tỉa để bán dạo đang là tình cảnh của người Cao Phong
Cao Phong (Mường Thàng) là một trong 4 mường trù phú trước đây của Hòa Bình, ngoài các cây trồng khác thì lâu nay cây mía vốn được coi là cây kinh tế thế mạnh, cây đặc sản, đem lại thu nhập cao, trước cả cây cam.
Cây mía bén đất, nhanh chóng phát huy thế mạnh và đem đến những nguồn thu, tích lũy cho người dân. Đất được ưu ái, chuyển nhượng và dành chỗ cho mía. Trong 12 xã, thị trấn của Cao Phong, nơi nào cũng có mía nhưng tập trung nhất phải kể đến là thị trấn Bưng và các xã Đông Phong, Bắc Phong, Tây Phong…
Đến năm 2010, cả huyện Cao Phong có tới 2.000 ha mía. Với giá bán từ 3.000 đồng/cây rồi đến 5.000 đồng/cây, mía đã trở thành niềm tin cậy cho nhiều người dân ở Cao Phong. Sau đó, diện tích trồng mía tiếp tục tăng. Tới cuối năm 2014 đã có thêm 730ha mía được trồng, nâng diện tích mía ở Cao Phong lên đến gần 3.000 ha. Niên vụ năm 2014, giá 1 cây mía lên đến 8.000 đồng. Nhờ cây mía, nhiều gia đình ở đây từ chỗ nghèo đói đã vươn lên thành hộ khá giả, nhiều gia đình đã xây được nhà, dư tiền cho con ăn học và mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền khác. Từ dốc Cun, bắt đầu bước vào địa phận huyện Cao Phong, kéo dài đến tận sát địa phận đất Tân Lạc (Mường Vang) màu xanh của mía đến đâu đồng nghĩa với sự trù phú kéo theo đến đó.
Tuy nhiên, bước vào niên vụ mía năm nay, người Cao Phong lại đang như đứng ngồi trên lửa vì mía rớt giá đến mức thê thảm. Những ngày áp Tết âm lịch, mía bắt đầu rớt giá. Từ 7.000 – 8.000 đồng/cây mía, không hiểu sao thương lái lên “mở hàng” đầu vụ chỉ trả có 4.000 – 5.000 đồng/cây được lựa chọn. Mía đến vụ phải thu, tuy nhiên do thấy giá giảm nên nhiều nhà đã “hãm ruộng”, “hãm vườn” để chờ giá cả sẽ nhích lên. Trớ trêu thay, niềm vui và sự chờ đợi đã không đến với họ. Càng về sau, cây mía càng rớt giá, từ 4.000 đồng/cây thì nay mía đã xuống đến 3.000 đồng/cây, thậm chí nhiều vườn, nhiều nhà đã không có ai đến trả giá.
Anh Hà Văn Trường, một người ở thị trấn Bưng cho biết: Không hiểu sao cây mía đặc sản ở đây nhanh chóng rớt giá và mất thương hiệu đến thế. Giờ, các ruộng mía ở Cao Phong muốn bán được chủ yếu đều phải chặt chọn. Ngày xưa, tư nhân đến, chào mời, gạ giá, nâng hứng chủ và cây mía đến vậy nhưng nay có mơ cũng chả thấy. Theo anh Trường, mía Cao Phong cũng như rất nhiều cây trồng khác. Đến mùa không bán được sẽ ra hoa, thậm chí tự khô và chết, lượng đường và nước giảm nên bán càng khó. Hy vọng được giá và thậm chí là đủ chi phí cho giống và công chăm sóc giờ đây cũng không đến với người Cao Phong nữa!
Hiện nay, để giải quyết đầu ra cho cây mía, người Cao Phong đành phải chặt tỉa để đem ra đường quốc lộ bán, gỡ gạc lấy đôi đồng hy vọng cho vụ mía sang năm. Cái cảnh tấp nập, thương lái khắp miền tìm lên, mua cả vườn, thuê nhân công chặt và kìn kìn xe cộ vào chở mía tỏa đi các nơi để tiêu thụ đã không còn sống động với người Cao Phong trong niên vụ mía này.
Cùng với thảm cảnh rớt giá mía Cao Phong, huyện Tân Lạc và nhiều xã cận kề với các vùng trồng mía ở Cao Phong cũng đang rơi vào tình trạng ngắc ngoải đầu ra cho cây mía. Những năm trước, vào thời gian này, tìm đến các xã như Phú Cường, Phú Vinh, Mỹ Hòa, Phong Phú… của huyện Tân Lạc, mía hầu như đã được giải phóng hầu hết với các diện tích. Tuy nhiên năm nay, đến thời gian này cây mía vẫn đứng im trên ruộng đồng và đang là nỗi báo nguy về sản lượng và chất lượng cho vụ mía tiếp theo. Hiện Tân Lạc cũng coi mía là một trong những cây đặc sản, có giá với diện tích trồng lên đến 2.000 ha. Theo ước tính, có đến 50% diện tích đang được trồng với hai loại mía đỏ và mía tím ở đây vẫn chưa được tiêu thụ và chưa có giải pháp nào khả thi cả.
Theo ông Đinh Văn Thao, hiện nay ở 4 xã trọng điểm có trồng mía của huyện Tân Lạc, trung bình mỗi nhà dân cũng phải trồng khoảng 6.000m2, nhiều nhà trồng đến cả vài ha. Tuy nhiên đến nay, không nói về sự sụt giá, nhiều gia đình không bán được mía đang là nỗi lo canh cánh của người dân.
Theo lãnh đạo của các xã trồng mía ở Cao Phong và Tân Lạc, hiện nay người dân rất cần có giải pháp đầu ra cho cây mía. Tuy nhiên sự ngóng trông ấy là hết sức mơ hồ vì từ trước đến nay đầu ra cho cây mía ở đây đều phụ thuộc vào tư thương. Cả tỉnh Hòa Bình có tới hàng nghìn ha mía tím, mía trắng nhưng chưa có một thị trường ổn định và thân quen nào cả!
Đơn Thương – ĐẠI ĐOÀN KẾT