Một trong những vấn đề mà người dân trồng cam ở Cao Phong đang phải đối mặt là nước tưới.
Huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình có thương hiệu cam nổi tiếng – Cam Cao Phong. Diện tích trồng cam ở đây hiện nay khoảng 1.200 ha; trong đó có 500 ha cam kinh doanh (cây cam đã cho trái) với sản lượng ước đạt khoảng 16.000 tấn/năm,diện tích trồng cam đang dần tiếp tục được mở rộng với tốc độ trung bình 10 – 15%/năm.
Một trong những vấn đề mà người dân trồng cam ở Cao Phong đang phải đối mặt là nước tưới. Việc thiếu nước tưới không những ảnh hưởng đến năng suất mà còn làm giảm chất lượng của sản phẩm, đồng thời làm tăng chi phí SX, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Giải pháp về nước tưới ở Cao Phong đã được Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc nghiên cứu và chuyển giao có kết quả ứng dụng cho thấy đây là một giải pháp tốt giải quyết vấn đề nước tưới.
Thực trạng nguồn nước tưới
Khu vực trồng cam tại huyện Cao Phong nằm trên trên địa hình tương đối cao, có độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh.
Đất ở đây chủ yếu là đất đỏ bazan, rất thuận lợi cho trồng cam nhưng khả năng giữ nước không tốt. Hệ thống công trình thủy lợi đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng nguồn nước tưới không đáp ứng được cho toàn bộ 1.200 ha đất trồng cam.
Thực tế, nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào lượng nước trữ của hồ chứa nước Đắc Tra và của một số khe suối tự nhiên trong khu vực. Nhu cầu nước tưới cho cam đã vượt quá khả năng cung cấp của các nguồn nước này.
Bên cạnh đó, giải pháp tưới chủ yếu bằng cách dẫn đường ống dài từ 1 – 2 km, tưới trực tiếp vào gốc cây bằng biện pháp thủ công, hoặc bằng vòi phun mưa áp lực cao đã tiêu tốn lượng nướclớn, khoảng 1.200 – 1.800 m3/ha/vụ, mà mang lại hiệu quả về năng suất và chất lượng quả cam không cao.
Giải pháp thu trữ nước kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt
Giải pháp thu trữ nước tại chỗ kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam có thể giúp giảm lượng nước tưới cho cam từ 50 – 60% lượng nước khai thác từ hồ chứa nước và các nguồn nước tự nhiên khác. Nguyên lý cơ bản của giải pháp này là lợi dụng địa hình các sườn đồi dốc, làm các rãnh thu nước nước mưa, xây dựng các bể thu trữ nước bằng vật liệu xi măng vỏ mỏng để tạo nguồn nước chủ động tưới tự chảy.
Giải pháp thu trữ nước tại chỗ kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt có ưu điểm là tạo nguồn nước chủ động để sử dụng làm nước tưới, tạo điều kiện linh hoạt sử dụng khi bón phân, thuốc BVTV và sử dụng làm nước sinh hoạt nếu cần thiết; phù hợp với mọi quy mô canh tác (vài trăm m2 đến hàng trăm ngàn ha) do quy mô của bể có thể xây dựng từ vài chục đến hàng nghìn m3; bể chứa nước có thể tận dụng được vật liệu tại chỗ và sử dụng thợ địa phương để thi công.
Việc quản lý các bể trữ cũng dễ dàng do nằm ngay trong vườn cam, người dân có thể chủ động sử dụng và bảo vệ. Ngoài ra, hệ thống rãnh thu nước có tác dụng làm giảm xói mòn đất trên sườn đồi dốc, đặc biệt khi có mưa lớn xảy ra.
Công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng nói chung và cây cam nói riêng đã được nghiên cứu và áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới từ những năm 1960. Tại Việt Nam, công nghệ này đã được áp dụng thành công đối với nhiều loại cây trồng trên nhiều loại địa hình.
Nguyên lý cơ bản của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước đến từng gốc cây ở dạng các giọt nước thông qua các vòi tưới nhỏ giọt. Lượng nước qua các vòi tưới được điều chỉnh bằnghệ thống điều khiển lượng nước nên cung cấp cho các gốc cây cùng liều lượng, không phụ thuộc vòi tưới ở gần hay xa nguồn nước. Người điều khiển hệ thống tưới có thể chủ động lượng nước tưới từ vài lít/gốc đến hàng nghìn lít/gốc trong một lần tưới, tùy thuộc yêu cầu cung cấp nước ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Thông qua hệ thống tưới, có thể kết hợp bón phân và thuốc phòng trừ sâu bệnh, giúp việc quản lý chất dinh dưỡng cho cây trồng chủ động và hiệu quả.
Thực tế đã cho thấy, áp dụng công nghệ nhỏ giọt có thể giảm được 40 – 50% lượng nước tưới, 40% lượng phân bón và thuốc BVTV, 80 – 90% công tưới. Ngoài ra, có thể quản lý chất dinh dưỡng tạo chất lượng tốt cho quả cam, hình thức quả cam đồng đều và không có dư lượng chất BVTV do phân bón quá liều lượng. Tổng cộng lại, có thể giảm được 20 – 30% chi phí SX, tăng 10 – 20% năng suất quả cam và 20% lợi nhuận cho người dân trồng cam.
Kết quả ứng dụng
Kết quả của hai mô hình thực tế áp dụng giải pháp thu trữ nước tại chỗ và công nghệ tưới nhỏ giọt tại huyện Cao Phong có thể minh chứng hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân.
Mô hình tưới tiết kiệm nước cho cam kinh doanh nhà ông Nguyễn Văn Bình:
Sau khi được cán bộ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tập huấn, chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam, ông Bình đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam kinh doanh từ năm 2013. Kết quả sau gần một năm, ông Bình đánh giá đây là công nghệ rất hiệu quả. Công nghệ có thể kiểm soát được độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam, tiết kiệm được 80% công tưới so với tưới trực tiếp gốc như trước đây, 90% công bón và 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam.
Khu vực miền núi phía Bắc nước ta có tiềm năng rất lớn phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, mậm, đào, hồng, chuối… Nhưng những hạn chế về quy trình canh tác và khó khăn về nước tưới đã trở thành rào cản lớn đánh thức tiềm năng to lớn này. |
Cây cam trong vườn cam nhà ông Bình phát triển đều, khỏe, ít nấm bệnh, lá cam xanh và dày hơn trước. Dự kiến, năm nay năng suất cam sẽ tăng từ 10 -15% so với năm trước.
Sau quá trình theo dõi, ông Bình đánh giá, so với các vườn cam khác của ông cũng như các vườn cam của các hộ lân cận thì vườn cam áp dụng công nghệ tưới này có sự phát triển nổi trội hơn, các quả cam đều và đẹp hơn.
Mô hình thu trữ nước kết hợp tưới tiết kiệm nước cho cam kiến thiết nhà ông Lý Đình Hưng:
Nhà ông Hưng có 2,5 ha trồng cam kiến thiết (cây cam trong giai đoạn năm năm đầu, chưa cho sản phẩm) trên đất đồi nhiều dăm sạn. Những năm trước đây, để tưới nước cho cam ông phải đầu tư hệ thống máy bơm từ hồ chứa Đắc Tra cách vườn 2 km với chi phí mỗi giờ bơm hết khoảng 160.000 đồng, mỗi lần tưới phải mất 2 ngày với 3 người làm. Thực tế, vườn cam nhà ông Hưng vẫn phát triển không tốt, nhiều cây bị chết hoặc phát triển chậm.
Năm 2013, ông quyết định đầu tư 1 bể thu trữ nước 80 m3 và lắp hệ thống tưới nhỏ giọt trên 2,5 ha đất trồng cam kiến thiết. Trả lời phỏng vấn của Báo Hòa Bình, ông Hưng đánh giá: “Qua gần một năm làm trên vườn nhà, tôi thấy tưới bằng hình thức này tiết kiệm được 40 – 50% lượng nước, 90% công tưới và 30% phân bón. Trước đây, mỗi lần tưới rất tốn kém tiền chi phí bơm nước.
Ngại nhất là công dùng ống mềm tưới cho từng cây nên không tưới được thường xuyên. Khi bón phân cũng vậy, lúc nào thấy trời mưa mang phân đi bón đến từng gốc. Nhiều khi bón xong, trời nắng phân cũng tan rất lãng phí mà cây không hấp thụ được. Giờ đây, mỗi lần bón phân tôi pha vào bể rồi bật máy bơm là xong”.
Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng cho thấy khả năng ứng dụng giải pháp thu trữ nước tại chỗ kết hợp với công nghệ tưới nhỏ giọt không chỉ giúp giải quyết hiệu quả bài toán khó khăn về nước tưới mà còn là một giải pháp canh tác giúp giảm chi phí SX, tăng năng suất và chất lượng, kiểm soát tốt thành phần dinh dưỡng cũng như mẫu mã của sản phẩm cam nói riêng và cây ăn quả nói chung.
Theo NNVN