Hơn 1 tháng nay, hàng chục ha cam ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) bỗng nhiên thi nhau rụng, có cây rụng tới hàng chục quả, khiến người dân rất lo lắng cho giống cam “bạc triệu” này…
Nhìn cam rụng mà xót
Cao Phong hiện có gần 2.000ha cam, những năm gần đây cây cam đã trở thành cây trồng chính và là cây “vàng” của huyện miền núi này. Cam đã và đang giúp cho người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, nhiều hộ đã mua được ô tô, xây được nhà đẹp, nuôi con cái học hành trưởng thành tất cả cũng nhờ cây cam. Trung bình mỗi ha cam cho thu nhập từ 600 – 1 tỷ đồng…
Tuy vậy, thời điểm này nhiều người dân đang đứng ngồi không yên vì cam bỗng dưng rụng quả hàng loạt. Ông Tạ Đình Đào ở khu 5B, thị trấn Cao Phong, có gần 2ha cam, trong đó hơn 1ha đang cho thu hoạch, lo lắng nói: “Tôi gắn bó với cây cam đã hơn chục năm nay, nhưng chưa năm nào cam rụng nhiều như thế. Có cây rụng tới vài chục quả, tính chung cả vườn mất độ khoảng 15 – 20%, tương đương vài tấn quả, tính ra mất cả trăm triệu đồng”.
Xót của, ngày nào ông Đào cũng vào vườn sớm, rồi tối mịt mới về, ông đang cố theo dõi tìm ra nguyên nhân, để kịp thời ngăn ngừa tình trạng rụng quả này. “Cũng lạ, nhiều quả vẫn còn xanh tươi, không bị thối gì nhưng vẫn rụng. Mọi năm cam thường có kỳ “rụng sinh lý”, nhưng chỉ rụng lác đác thôi, chứ năm nay rụng nhiều quá, mỗi buổi sáng ra vườn nhìn cam rụng kín gốc mà không rõ vì sao” – ông Đào xót xa.
Dẫn tôi vào vườn, chỉ vào những gốc cam quả đang ương vàng sắp chín, nhưng vẫn rụng đầy gốc, ông Lê Tiến Hạnh ở khu 2, thị trấn Cao Phong buồn rầu nói: “Những cây già, yếu quả rụng đã đành, nhưng nhiều cây còn non, khỏe nhưng quả vẫn rụng. Hầu như quả rụng không có biểu hiện gì khác thường, quả cứ beo (héo) dần rồi rụng, nhưng nhiều quả vỏ vẫn còn tươi nguyên nhưng vẫn rụng. Tôi đang nghi cam bị nhiễm vi khuẩn, thối cuống quả nên đã cho phun thuốc và đang theo dõi”.
Do thời tiết bất thường?
Ông Nguyễn Hồng Thủy – Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong thừa nhận, năm nay có hiện tượng cam rụng “bất thường” hơn mọi năm. Song theo ông Thủy, số lượng quả rụng vẫn nằm trong “ngưỡng” và đặc biệt là chưa có phát hiện cam rụng là do nhiễm bệnh, do đó rất có thể cam rụng là do thời tiết và chế độ canh tác”.
Nói về tình trạng cam bất ngờ rụng hàng loạt, ông Hà Ngọc Tuyền – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cao Phong (đơn vị cho người dân thuê đất trồng cam) cho biết, thông thường cam hay mắc các bệnh như nấm cuống, thối quả, vàng lá, gân xanh… nhưng năm nay các bệnh này không xuất hiện. Ngoài ra, cam còn có hai chu kỳ rụng quả, lần đầu khi chia quả, lần hai là rụng quả sinh lý.
“Nếu qua hai thời kỳ này quả vẫn rụng mà không có bệnh, thì có thể là do thời tiết và chế độ canh tác của người dân chưa hợp lý. Những quả xanh, đẹp vẫn rụng là do cây yếu, để tồn tại bắt buộc nó phải đào thải bớt quả” – ông Tuyền cho hay.
Ông Tuyền cho biết thêm, vụ cam năm nay năng suất giảm khoảng 30 – 40% so với năm ngoái, nguyên nhân là do vụ cam năm ngoái được mùa, theo quy luật tự nhiên năm nay lượng quả sẽ giảm. Hơn nữa, thời điểm ra hoa cam gặp mưa phùn nên hoa bị thối rất nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. Còn việc cam rụng chỉ thiệt hại khoảng 15 – 20%.
Theo ghi nhận, hiện rất nhiều người trồng cam đang mong muốn ngành nông nghiệp về tìm hiểu và giúp ngăn ngừa hiện tượng rụng quả trên cam.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cao Phong khẳng định, hiện nay trên địa bàn huyện không có dịch bệnh ở cam. Tuy nhiên, theo ông Phúc, do thời tiết đã bắt đầu vào mùa khô hanh, một số nấm bệnh phát triển, có thể bà con phun thuốc quá nồng độ, dẫn đến cây bị ngộ độc và rụng quả.
“Ngoài ra cũng có nguyên nhân do, hơn tháng nay ở vùng này không có mưa, việc tưới nước không đủ cho cây khi nó đang thời kỳ nuôi quả, thiếu nước dẫn để quả rụng, chứ không phải rụng do dịch bệnh” – ông Phúc cảnh báo.