Home / Tin tức / Giải pháp tưới nhỏ giọt cho vùng khô hạn ở Cao Phong

Giải pháp tưới nhỏ giọt cho vùng khô hạn ở Cao Phong

(CCP) – Từ nhiều năm nay, không chỉ ở Cao Phong mà nhiều vùng trồng cây nông nghiệp trên toàn tỉnh sử dụng cách tưới tràn (dùng máy bơm và ống dẫn tưới cho cây). Cách làm này gây lãng phí nước và công lao động nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

Hệ thống tưới nhỏ giọt của vườn anh Lý Đình Hưng, khu 5B, thị trấn Cao Phong đã phát huy hiệu quả thiết thực

Công nghệ mới

 Trong những năm gần đây, do được giá nên diện tích trồng cam ở Cao Phong phát triển mạnh. Hiện nay, cả huyện Cao Phong trồng được trên 1.000 ha cam các loại. Cùng với đó là nhu cầu nước tưới cho cây tăng mạnh, nhất là mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Ngoài sử dụng nước mặt, nhiều hộ tăng cường đào, khoan giếng để dùng nước ngầm. Tuy nhiên, Cao Phong vốn là vùng đất ít nước nhất tỉnh, nhiều diện tích trồng cam có nước tưới là khó khăn. Do vậy, việc khai thác nguồn nước và sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả là bài toán khó với nhiều chủ vườn. Năm 2013, Trung tâm thủy lợi miền núi phía Bắc, Viện Khoa học thủy lợi (Bộ NN &PTNT) đã tiến hành triển khai thử nghiệm 3 ha công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Viện tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ gia đình lắp đặt. Hệ thống tưới nhỏ giọt dẫn từ nguồn về vườn thông qua hệ thống lọc, bể bón phân, đồng hồ đo áp lực, xả hơi dẫn từng hàng cây về đến từng cây.

 Thạc sĩ Nguyễn Xuân Kiều, Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc, Viện Khoa học thủy lợi (Bộ NN &PTNT) cho biết:  Đây là công nghệ mới tiên tiến nhất thế giới. Mọi thiết bị từ ống dẫn đều nhập khẩu từ Israel. Đây là đất nước áp dụng thành công nhất tuy có diện tích nhỏ (trên 20.000 km2). Chỉ 20% diện tích đó có thể trồng trọt. Nước là thứ tài nguyên mà Israel luôn luôn thiếu. Ở đây, người ta phải khoan sâu hàng km mới lấy được một lượng nước ít ỏi. Mọi hoạt động nông nghiệp của Israel xoay quanh 3 chữ: tiết kiệm nước. Bí quyết của nông dân Israel là phát triển những công nghệ và thiết bị hiện đại như tưới nhỏ giọt, sử dụng các van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, dùng vòi phun áp lực thấp và phun mưa loại nhỏ. Công nghệ tưới này giúp cho cây trồng lúc nào cũng ẩm, chuyển dinh dưỡng vào cây được thường xuyên. Nhờ tưới nhỏ giọt, nông dân tiết kiệm được 60% lượng nước, đồng thời tăng năng suất cây trồng từ 15 – 30%. Cùng với đó là rút ngắn thời gian kiến thiết cây trồng.

 Cần giải pháp hoàn thiện

 Một trong những vườn triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt là của gia đình anh Lý Đình Hưng, khu 5B, thị trấn Cao Phong. Anh cho biết: Tôi đã tìm hiểu qua nhiều tài liệu về công nghệ tưới này và thấy rất ưu việt. Khi có chương trình hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật của Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc, tôi xung phong đầu tư thử nghiệm. Mức đầu tư từ 30 – 40 triệu đồng /ha. Qua gần một năm làm trên vườn nhà, tôi thấy tưới bằng hình thức này tiết kiệm được 40% lượng nước, 90% công tưới và 30% phân bón. Vườn nhà tôi có nguồn nước ở xa nên phải mua nước với giá 160.000 đồng /giờ bơm. Trước đây, mỗi lần tưới cho 2 ha cam, 2 người phải tưới cả ngày mới xong. Rất tốn kém tiền chi phí bơm nước. Ngại nhất là công dùng ống mềm tưới cho từng cây nên không tưới được thường xuyên. Khi bón phân cũng vậy, lúc nào thấy trời mưa mang phân đi bón đến từng gốc. Nhiều khi bón xong, trời nắng phân cũng tan rất lãng phí mà cây không hấp thụ được. Giờ đây, mỗi lần bón phân tôi pha vào bể rồi bật máy bơm là xong. Chỉ chừng 2 tiếng đồng hồ, cả vườn đều được tưới. Lượng nước các cây đều như nhau. Người tưới cây chỉ đi xem máy tưới. Do tiện ích cứ 2 ngày tôi tưới cây một lần nên cây lúc nào cũng ẩm.

 Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt ở cây cam nói riêng, cây có múi ở Cao Phong nói chung có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn có những vướng mắc cần tháo gỡ. Đối với người dân ở Cao Phong, canh tác nông nghiệp theo hướng đại trà phần lớn là dùng máy. Khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đường ống chôn xuống đất, đến cây được đưa nổi lên mặt để tưới. Khi làm cỏ bằng máy phát, thường xuyên phát vào đường ống nước. Anh Hưng cho biết thêm: Vào mùa mưa thì khoảng 20 ngày phát cỏ một lần. Mỗi lần như vậy cũng vô tình phát vào đường ống nước vài lần. Mặt khác, vào cuối vụ thu hoạch, bà con thường đào khoanh tán để bón phân và khử trùng cũng thường xuyên mắc phải ống dẫn, rất mất công sửa chữa nối ống. Mặt khác, hiện tại, ống nước tưới có nhiều đầu dẫn nhỏ giọt (40 cm một đầu), việc tưới cho cây đồng thời cũng làm ẩm dọc theo hàng cây, như vậy sẽ làm cỏ mọc nhiều. Nếu khắc phục được những nhược điểm này, công nghệ tưới hoàn thiện hơn, sẽ là giải pháp tối ưu cho vùng đất cằn cỗi của Cao Phong.

 

 

 Việt Lâm – Theo BaoHoaBinh

About admin

facebook-profile-picture
Giới thiệu và cung cấp Cam Cao Phong - Hòa Bình chính hiệu LH: 0911.781.187

Có thể bạn quan tâm

Cao Phong: Cuối năm giá cam tăng mạnh

Trong mấy ngày gần đây giá các loại cam đang thu hoạch ở Cao Phong …

TẮT QUẢNG CÁO [X]