Home / Tin tức / Người “công nhân” già và niềm vui trọn vẹn

Người “công nhân” già và niềm vui trọn vẹn

(CTV)- Sau gần 40 năm vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vật lộn với từng gốc cam trên đồi cao nắng khét, mưa chan, đến nay, gia đình ông Tạ Đình Đào, khu 5B, thị trấn Cao Phong đã xây dựng được 1 cơ ngơi khang trang cùng hơn 6 ha trồng cam đang trong thời kỳ kinh doanh. Từng 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những cố gắng trong lao động sản xuất, ông là 1 trong những điển hình tiên tiến của tỉnh Hòa Bình trong Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ IV. “Ký ức một thời không thể nào quên”

Ông Tạ Đình Đào thường xuyên thăm nom vườn cam nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời

       Quả không sai khi người ta nói ông Đào là người biết “giấu” tuổi của mình. Gần 80 mùa thu đi qua nhưng trông ông chỉ như mới ở tuổi 50. Nhâm nhi ấm nước chè mới pha, ông Đào chậm rãi kể lại thời trai trẻ của mình: Như một cái duyên với đất và người Hòa Bình, tháng 3/1961, từ quê hương Tu Vũ, Thanh Thủy (Phú Thọ) tôi lên Hòa Bình làm công nhân nông trường Cửu Long (Lương Sơn). Sau một thời gian công tác, bằng sức trẻ và nhiệt huyết của mình, tôi được lãnh đạo nông trường lựa chọn đi khai phá vùng Cao Phong, huyện Kỳ Sơn lúc bấy giờ. Từ đây, tôi đã chọn mảnh đất này là quê hương thứ hai, làm bến đỗ bình yên cho tổ ấm hạnh phúc của mình. Tháng 9/1964, thành lập nông trường Cao Phong, tôi làm công nhân hưởng khoán ăn theo sản phẩm. Cuộc sống cơ cực trôi qua từng ngày ở những đồi cam xa vút tầm mắt và ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười con trẻ. Tuy nhiên, một biến cố lớn đã xảy đến với tôi, vào năm 1984, người bạn đời của tôi vì bạo bệnh mà qua đời để lại 4 đứa con thơ dại. Trong đó, con gái út của tôi chưa đầy 6 tháng tuổi. Cả gia đình 5 miệng ăn nhưng chỉ có 1 suất lương công nhân nên cuộc sống thường xuyên ở trong tình trạng “cơm lần từng bữa”. Nhiều lần nghe tiếng con út khóc vì đói, lòng tôi như thắt lại nhưng cũng chỉ biết ru con trong nước mắt. Tôi đã phải tận dụng từng mảnh đất trống để xen những cây ngắn ngày từ rau đậu đến ngô, khoai, sắn để có cái ăn cho các con. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong lặng lẽ như một bản nhạc nhiều cung trầm. Thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình cộng với niềm thương yêu bố mẹ vô hạn, theo thời gian, cả 4 người con của tôi đều khôn lớn, chăm ngoan và học giỏi.

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”

Sau 4 năm nghỉ hưu, năm 1994, khi nông trường Cao Phong có chủ trương giao đất cho gia đình công nhân, không quất phục đói nghèo, ông Đào mạnh dạn nhận khoán 9.000m2 đất để trồng cam. Cơ chế khoán chính là luồng gió mới thổi bùng lên quyết tâm chiến thắng đói nghèo và lạc hậu để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tuy vậy, cuộc sống trước mắt của gia đình ông vẫn còn vô vàn khó khăn. Ông phải chạy vạy mãi mới vay được 50 triệu đồng để trồng cam cho hết số đất nhận khoán. Năm 2000, vụ quả bói đầu tiên đã cho gia đình ông thu hoạch 13 tấn cam, đem về cho gia đình số tiền 20 triệu đồng. Nó phần nào làm ấm lòng người công nhân già Tạ Đình Đào. Từ năm thứ 2 trở đi, vườn cam của gia đình ông Đào đi vào ổn định, năng suất, sản lượng tăng đều sau mỗi năm. Theo đó, cuộc sống vật chất, tinh thần của 5 bố con từng bước được cải thiện. Sau vài vụ cam ông đã trả được hết nợ nần và xây căn nhà trị giá gần 3 tỷ đồng vừa làm chỗ ở cho gia đình và làm nơi giao dịch với khách hàng. Nguồn thu nhập từ cam còn được ông dùng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ chỗ diện tích chưa đầy 1 ha, đến nay, ông Đào đã mở rộng diện tích của gia đình lên hơn 6 ha trồng cam, hằng năm cho thu hoạch hơn 100 tấn cam quả, giá trị khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Năm 2012 là năm ông có số thu cao nhất với mức kỷ lục lấy bấy giờ: 5 tỷ đồng. Mấy năm trở lại đây, khi hết chu kỳ thu hoạch, một lứa cam mới, trong đó chủ yếu là cam Canh và cam CS1 đang được ông tiếp tục chăm sóc để cho những mùa vàng trĩu quả.

Ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong chia sẻ: Ông Đào có thể coi là người đặt nền móng cho cây cam Cao Phong. Với cương vị là một trưởng khu, ông và gia đình luôn chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong mọi phong trào không chỉ ở thị trấn Cao Phong mà cả trên phạm vi của cả huyện. Ông đã ủng hộ hàng chục triệu đồng để khu dân cư xây dựng Nhà văn hóa, làm đường và gây quỹ khuyến học. Từ năm 2003 đến nay, người trưởng khu 5B Tạ Đình Đào liên tục giúp khu giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” với gần 100% số hộ dân đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa.

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng sáng sáng mọi người vẫn thấy người công nhân già Tạ Đình Đào vận bộ quần áo lao động cũ sần trên chiếc xe máy cũ kỹ đã gắn bó với ông gần 20 năm trời rong ruổi trên khắp đồi cam. Tình yêu với những trái cam vàng trĩu mọng đã thắp sáng lên cuộc đời của ông và thứ ánh sáng ấy như ánh hào quang cho ta thấy được giá trị của lao động là cội nguồn của suối nguồn vinh quang./.

Theo CaoPhongTV – Phạm Minh Tuấn 

(http://caophongtv.vn/article/details/453)

About admin

facebook-profile-picture
Giới thiệu và cung cấp Cam Cao Phong - Hòa Bình chính hiệu LH: 0911.781.187

Có thể bạn quan tâm

Cao Phong: Cuối năm giá cam tăng mạnh

Trong mấy ngày gần đây giá các loại cam đang thu hoạch ở Cao Phong …

TẮT QUẢNG CÁO [X]